GIOAN - PHAOLÔ II

Gio-an Phao-lô II là tảng đá của thế kỷ20. Giáo chủ từ Ba-lan là người ảnh hưởng trên Giáo Hội mạnh hơn nhiều vị tiền nhiệm khác. Ngay trong thông điệp đầu tiên Redemptor hominis (Đấng cứu chuộc nhân loại) ngài đã xác định chương trình làm việc: Theo ngài, con người, thế giới, các hệ thống chính trị đã xa lìa “những đòi hỏi của luân lí và công chính”. Giờ đây Giáo Hội phải có một giáo huấn rõ ràng để đối lại. Quan điểm này được nói đi nói lại trong tất cả các thông điệp của ngài. Ngài bảo, ta phải xướng lên “văn hoá sự sống” để chống lại “văn hoá sự chết”. Cái nền tảng Gio-an Phao-lô II để lại đó có thể là bàn đạp tốt để tiến vào thế kỷ21 không?

Nền tảng đích thực dĩ nhiên là Đức Ki-tô, nhưng Giáo Hội luôn cần những lực đẩy mới, luôn cần được tiếp tục xây dựng. Có thể nói rằng, nhiệm kì giáo chủ của Gio-an Phao-lô II có một sức mạnh ngoại lệ. Đó là một cuộc vật lộn chống lại tất cả những vấn nạn nền tảng của thời đại chúng ta – và ngoài ra ngài còn tặng cho chúng ta nguồn vốn tích cực để đi tới.

Các thông điệp lớn của Giáo chủ, mở đầu với “Đấng cứu chuộc nhân loại”, rồi tới bộ ba thông điệp trình bày khuôn mặt của Thiên Chúa, thông điệp quan trọng về luân lí, thông điệp về sự sống, thông điệp về đức tin và lí trí cắm lên những trụ cọc, như anh nói, làm nền cho ta có thể xây tiếp lên đó. Sở dĩ nói xây tiếp, là vì Ki-tô giáo, trong một thế giới biến chuyển quá nhanh như hiện nay, luôn phải phát biểu một cách mới mẻ.

Trước đây, khi đối diện với Do-thái giáo, Hồi giáo và văn hoá la-hi, Tô-ma ở Aquino đã phải đưa Ki-tô giáo vào một lối nghĩ mới, để tạo cho nó một hình thù kéo dài mãi cho tới Thời mới. Hình thù này sau đó đã được thay đổi khi nhân loại bước vào Thời mới, qua các quyết định nền tảng của công đồng Trento do hậu quả của Cải cách. Mô hình Giáo Hội này đã kéo dài 500 năm. Ngày nay, trước cuộc biến chuyển quan trọng của thời đại, chúng ta phải làm sao một mặt vẫn duy trì được cái bản sắc của toàn thể, mặt khác tìm ra được cái khả năng sống động, làm sao phát biểu chúng một cách mới mẻ và hiện tại hoá chúng. Trên lãnh vực này, giáo chủ Gio-an Phao-lô II đã có một đóng góp lớn.